Khám phá kỹ năng đọc hiểu văn bản trong đời sống và giáo dục

Để phát triển năng lực học tập bền vững, việc trau dồi và rèn luyện kỹ năng đọc hiểu là một trong những yêu cầu hàng đầu mà bất cứ ai cũng cần chú trọng. Người có kỹ năng đọc hiểu tốt sẽ tiếp thu kiến thức nhanh chóng, dễ dàng nắm bắt những nội dung mà văn bản muốn truyền tải. Vậy thực chất kỹ năng đọc hiểu văn bản là gì? Cùng Where S tìm câu trả lời trong bài viết sau.

Tổng quan về kỹ năng đọc hiểu văn bản

Kỹ năng đọc hiểu văn bản là gì?

Kỹ năng đọc hiểu văn bản là việc sử dụng kết hợp nhiều kỹ năng khác nhau để nắm được nội dung, ý nghĩa cũng như các vấn đề, giải pháp được đề cập trong văn bản. Mỗi một văn bản có thể có độ dài, phương thức biểu đạt và phong cách ngôn ngữ riêng. Do đó, kỹ năng đọc hiểu sẽ kết hợp giữa việc đọc và năng lực tư duy biểu đạt để đưa ra các quyết định, hành động phù hợp.

Một người có kỹ năng đọc hiểu tốt sẽ phải thấy được những nội dung gồm:

  • Phân biệt được thể loại, nội dung và ý nghĩa văn bản muốn truyền tải.
  • Nắm bắt được tư tưởng, ý đồ, mục đích mà người viết muốn gửi gắm.
  • Đối với các tác phẩm văn học: cần phát hiện và hiểu được giá trị của các thủ pháp nghệ thuật, hình tượng và ý nghĩa của các câu từ được sử dụng trong văn bản.

Tầm quan trọng của kỹ năng đọc hiểu văn bản

Kỹ năng đọc hiểu văn bản đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống và công việc.  Khi rèn luyện được kỹ năng này, con người có thể nắm bắt được thông tin nhanh chóng, hiệu quả, tránh được các vấn đề hiểu lầm, sai sót của cách truyền đạt qua truyền miệng. 

Đây được xem là hoạt động cơ bản, cần thiết để mỗi người tự nâng cao tri thức và bồi dưỡng tâm hồn, hiểu được các ý nghĩa sâu xa của các tác phẩm văn học nghệ thuật. Bên cạnh đó, kỹ năng đọc hiểu văn bản cũng là nền tảng quan trọng để phát triển kỹ năng ngôn ngữ và hình thành kỹ năng viết. 

Quan trọng hơn, kỹ năng đọc sách hay việc đọc hiểu đòi hỏi con người phải vận dụng các năng lực tổng hợp như: nhìn, phán đoán, tưởng tượng, tra cứu… góp phần kích thích trí não hoạt động và phát triển năng lực tinh thần một cách toàn diện.

Những kỹ năng đọc hiểu văn bản hiện nay

Các kỹ năng đọc hiểu văn bản hiện nay gồm có 3 kiểu chính sau:

Kỹ năng đọc hiểu chung áp dụng cho tất cả các dạng văn bản:

  • Nắm được tác giả.
  • Hiểu được ý nghĩa của các từ và cụm từ có trong văn bản, biết cách dự đoán và hiểu nghĩa từ mới.
  • Nắm bắt được các ý chính và những chi tiết bổ trợ trong văn bản.
  • Hiểu được vấn đề, giải pháp được đề cập trong văn bản.
  • Nhận biết mục đích của tác giả.
  • Liên hệ được các văn bản khác có liên quan hoặc thực tế cuộc sống.

Kỹ năng đọc hiểu các tác phẩm hư cấu (tác phẩm văn học, tiểu thuyết):

  • Nắm được ngữ cảnh, cốt truyện và diễn biến của câu chuyện.
  • Hiểu và phân tích được các hình tượng nhân vật có trong tác phẩm.
  • Cảm nhận được giá trị nghệ thuật, biện pháp tu từ và ý nghĩa truyền tải từ tác phẩm.

Kỹ năng đọc hiểu văn bản phi hư cấu (sách thông tin, khoa học):

  • Biết cách đọc các ký hiệu, chú thích, đồ thị, nhãn đính kèm…
  • Phát hiện được các thông tin mới.
  • Nhận diện được các quan điểm, lý do, lập luận, bằng chứng thể hiện trong văn bản.
  • Nắm được các chủ đề, các nội dung quan trọng và các dữ kiện có liên quan.
  • Có thể hệ thống hóa lại vấn đề một cách rõ ràng sau khi đọc.
Những kỹ năng đọc hiểu văn bản hiện nay

Điểm khác nhau giữa kỹ năng đọc hiểu văn bản và phương pháp đọc hiểu

Thực tế giữa kỹ năng đọc hiểu văn bản và phương pháp đọc hiểu không có sự phân biệt quá rõ ràng. Tuy nhiên, về cơ bản có thể phân biệt theo cách sau:

  • Kỹ năng đọc hiểu: Đề cập đến việc nắm bắt và trích rút các thông tin liên quan được đề cập trong văn bản. Có thể kể đến như: ý chính, cốt truyện, ngữ cảnh, diễn biến, vấn đề và giải pháp, kết luận….
  • Phương pháp đọc hiểu: Đề cập đến hoạt động tư duy logic trong quá trình đọc, nâng cao kết quả đọc hiểu một cách sâu sắc, hiệu quả. Đọc hiểu có phương pháp góp phần nâng cao kiến thức nền, kết nối, suy diễn, tưởng tượng, tự giám sát quá trình đọc…

Kỹ năng đọc hiểu văn bản ngữ văn trong giáo dục tại trường 

Có thể thấy, kỹ năng đọc hiểu văn bản đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống và giáo dục. Đó là lý do vì sao cần chú trọng và nâng cao kỹ năng đọc hiểu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bàn về việc dạy kỹ năng đọc hiểu trong nhà trường

Hiện nay trong hầu hết các trường học tại Việt Nam, việc rèn luyện kỹ năng đọc hiểu văn bản hầu hết chỉ chú trọng đến các tác phẩm văn học ở những điểm sau:

  • Nhận biết văn bản: Đây là mức độ cơ bản, học sinh sẽ được hướng dẫn cách nhận biết thể loại văn bản, phong cách ngôn ngữ; hiểu được đề tài, chủ đề, nhan đề; tóm tắt nội dung; nắm được phương thức biểu đạt văn bản và hiểu phương thức lập luận được sử dụng.
  • Hiểu văn bản: Ở mức độ này, học sinh cần hiểu được ý nghĩa được truyền tải, đánh giá và cảm nhận được giá trị nghệ thuật bằng kiến thức, kinh nghiệm đã có.
  • Vận dụng văn bản: Thông qua những nội dung đã được học, học sinh có thể sử dụng để giải quyết vấn đề, mở rộng một nội dung trong văn bản bằng suy nghĩ, ý kiến theo thực tế cuộc sống.

Trong nhà trường, mỗi độ tuổi sẽ được hướng dẫn ở các mức độ khác nhau. Tại các quốc gia phát triển, điều này không chỉ dừng lại ở các tác phẩm văn học mà còn mở rộng ra các dạng văn bản khác, bao gồm văn bản phi hư cấu nhằm nâng cao khả năng đọc hiểu và vận dụng vào thực tế cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ.

Yếu tố quan trọng của một văn bản đọc hiểu

Để rèn luyện kỹ năng đọc hiểu văn bản, học sinh cần nắm bắt được những yếu tố then chốt, bao gồm:

  • Tiêu đề, nhan đề: Với hầu hết các loại hình văn bản như thơ ca, tiểu thuyết, ký sự, truyện ngắn hay khoa học, báo chí, chính luận… tiêu đề sẽ là yếu tố đầu tiên giúp bạn nhận biết được một phần nội dung, chủ đề của văn bản đó. 
  • Từ khóa: Đây là những từ trọng tâm, có chứa nội dung chính của toàn văn bản, thường được nhắc đi nhắc lại trong bài viết. Từ khóa sẽ bổ sung cho tiêu đề, giúp người đọc nắm bắt chính xác nội dung bài viết một cách nhanh chóng. 
  • Câu chủ đề: Ngoài tiêu đề và từ khóa, các câu chủ đề cũng là một trong những yếu tố quan trọng cần nắm của một văn bản đọc hiểu. Những câu chủ đề này thường xuất hiện trong các văn bản ở hình thức văn xuôi như báo chí, khoa học, hành chính, nghệ thuật… giúp làm rõ hoặc tóm tắt nội dung được đề cập ở phần thân bài.

Ngoài ra, phần kết luận cũng là điểm cần chú ý nếu học sinh muốn nắm bắt văn bản đọc hiểu nhanh chóng và toàn diện.

Yếu tố quan trọng của một văn bản đọc hiểu

Hướng dẫn các bước làm bài đọc hiểu môn ngữ văn

Để làm bài đọc hiểu môn ngữ văn đạt điểm cao, các em học sinh có thể tham khảo các bước sau:

  • Bước 1: Dành thời gian đọc thật kỹ đề bài bao gồm các yêu cầu xuất hiện trong đề và nội dung văn bản được trích dẫn kèm theo đề.
  • Bước 2: Trong quá trình đọc, em dùng bút gạch chân những từ, cụm từ quan trọng. Việc này sẽ giúp em hiểu đúng và đầy đủ yêu cầu của đề đồng thời xác định đúng hướng làm bài, tránh bị lan man, lạc đề.
  • Bước 3: Em nên đặt các câu hỏi bổ trợ giúp làm rõ vấn đề như: ai, cái gì, như thế nào, là gì, kiến thức gì… để bài làm thêm khoa học, chính xác.
  • Bước 4: Trong quá trình trả lời, cần phân rõ các câu, các ý, lựa chọn từ ngữ cẩn thận.
  • Bước 5: Đọc và chỉnh sửa lại các câu trả lời cho chuẩn xác, tránh bỏ trống hoặc trả lời thiếu.

Bí quyết giúp bạn đạt điểm tối đa phần đọc hiểu tại kỳ thi THPT

Đối với phần đọc hiểu trong các bài thi THPT, đề bài thường đưa ra một khổ thơ hoặc một phân đoạn và yêu cầu trả lời câu hỏi đi kèm.

Thông thường, các câu hỏi sẽ bao gồm:

  • Xác định thể loại, phong cách ngôn ngữ.
  • Tóm tắt nội dung chính.
  • Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật được sử dụng và tác dụng đối với tác phẩm.
Bí quyết giúp bạn đạt điểm tối đa phần đọc hiểu tại kỳ thi THPT

Để đạt kết quả tốt ở phần này, học sinh có thể áp dụng các kỹ năng đọc hiểu văn bản được đề cập dưới đây:

  • Đầu tiên, học sinh cần nắm được phương thức biểu đạt của văn bản. Đối với thơ, em cần xác định đúng thể loại như thơ tự do, lục bát, thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt… Đối với văn xuôi, em cần biết đoạn trích thuộc dạng miêu tả, tự sự, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận hay hành chính công vụ.
  • Thứ hai, để phân biệt được hình thức văn bản theo chức năng ngôn ngữ, em cần nắm được 6 loại phong cách ngôn ngữ chính gồm: sinh hoạt, nghệ thuật, hành chính, báo chí, chính luận và khoa học. Khi xác định đúng phong cách, em sẽ định hướng được nội dung cũng như ý nghĩa đầy đủ mà văn bản muốn truyền tải.
  • Thứ ba, em cần xác định được biện pháp nghệ thuật mà tác giả sử dụng. Những biện pháp này thường rất đa dạng, có sự khác biệt giữa thơ và văn xuôi. Chẳng hạn đối với văn xuôi, học sinh cần nắm được những yếu tố như: cấu trúc, bố cục, vấn đề về không gian, thời gian, ngôn ngữ, hệ thống nhân vật… Trong thơ, yếu tố nghệ thuật sẽ gồm: thể thơ, hình ảnh, cấu tứ, vần điệu… Bên cạnh đó, em cũng cần nắm và phân biệt được các cấp độ trong những biện pháp tu từ sử dụng trong văn bản.

Khi nắm được những nội dung trên, học sinh có thể dễ dàng phân tích và trả lời chính xác các đề bài liên quan đến đọc hiểu ở môn văn tại kỳ thi THPT.

Trong đời sống hay giáo dục, kỹ năng đọc hiểu văn bản đều đóng vai trò vô cùng quan trọng. Do đó, bạn cần thường xuyên trau dồi và nâng cao kỹ năng này để không ngừng tiếp thu kiến thức, tri thức của nhân loại. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *