Phương pháp dạy học tích cực đã được ứng dụng ở nhiều nước trên thế giới và mang lại hiệu quả cao trong việc phát huy tính chủ động và sáng tạo của người học. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Where S đi vào tìm hiểu chi tiết phương pháp dạy học tích cực là gì và các phương pháp dạy học tích cực nào nên áp dụng vào công tác dạy và học hiện nay.
Định nghĩa về phương pháp dạy học tích cực
Dạy học tích cực là phương pháp mà giảng viên sẽ không đưa ra đáp án mà thay vào đó là những gợi ý để cùng học viên bàn luận, tìm ra mấu chốt của vấn đề và đi đến kết luận.
Đây là phương pháp tập trung vào sự sáng tạo, tính chủ động và khả năng tư duy của người học. Giảng viên chỉ đóng vai trò là người gợi mở vấn đề và dẫn dắt học viên tìm ra đáp án. Phương pháp này đòi hỏi người dạy phải có kiến thức sâu rộng về vấn đề, đồng thời cũng cần phải thể hiện sự nhiệt tình trong suốt quá trình giảng dạy.
Top 5 phương pháp dạy học tích cực hiệu quả nhất nên áp dụng
Dạy học theo nhóm
Đây là phương pháp dạy học mang lại hiệu quả cao được áp dụng phổ biến hiện nay. Với cách làm này, người học sẽ phát huy được tính sáng tạo, khả năng làm việc nhóm và rèn luyện kỹ năng giao tiếp của bản thân. Quy trình cần thực hiện được sắp xếp như sau
- Giới thiệu về chủ đề cần bàn luận,
- Giáo viên đưa ra nhiệm vụ chung của từng nhóm và tiến hành tạo nhóm.
- Học viên lên kế hoạch những việc cần làm, đề ra quy tắc chung trong nhóm, giải quyết công việc theo sự phân công, tổng hợp kết quả và báo cáo.
- Các nhóm lần lượt trình bày.
- Giảng viên và các nhóm khác đặt câu hỏi, đưa ra nhận xét, đánh giá.
Người dạy có thể tiến hành phân chia nhóm dựa trên năng lực của từng bạn và phân bổ đều mỗi nhóm, theo tính cách hoặc ngẫu nhiên theo số thứ tự,…
Phương pháp nghiên cứu điển hình
Với phương pháp này, người dạy có thể sử dụng một câu chuyện hư cấu hoặc có thật để chứng minh cho một vấn đề nào đó. Điều này giúp học viêm dễ dàng hình dung, tư duy các hướng tiếp cận khác nhau để nhanh chóng tìm ra đáp án. Video, văn bản, hình ảnh,…đều sẽ là những công cụ đắc lực để người dạy vận dụng phương pháp dạy học tích cực này.
Dạy học theo dự án
Phương pháp dạy học theo dự án đòi hỏi người học phải hoàn thành một nhiệm vụ mang tính thực tiễn và cần kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi người học phải có tính tự lực, khả năng xây dựng kế hoạch, thực hiện và đánh giá kết quả cuối cùng của dự án. Phương pháp này thường sẽ được triển khai dưới dạng hoạt động nhóm. Quy trình thực hiện theo 3 bước như sau:
Bước 1: Lên kế hoạch. Ở bước này các thành viên trong nhóm cần xác định được chủ đề, triển khai các ý nhỏ và phân công công việc nghiên cứu của các thành viên.
Bước 2: Tiến hành thực hiện dự án. Chuỗi các hoạt động cần thực hiện ở bước này bao gồm tra cứu thông tin, thảo luận, góp ý giữa các thành viên và nhờ đến sự hướng dẫn của giáo viên nếu cần thiết.
Bước 3: Tổng hợp. Bước này yêu cầu nhóm phải tổng hợp các kết quả đã đạt được, trình bày và phản ánh kết quả của cả quá trình.
Dạy học lồng ghép trò chơi
Dạy học theo hướng lồng ghép trò chơi là một trong các phương pháp dạy học tích cực mang lại hiệu quả cao. Người dạy sẽ tổ chức cho học viên những trò chơi xoay quanh chủ đề cần nghiên cứu. Phương pháp này sẽ giúp kích thích khả năng tìm tòi và tăng sự hứng thú cho học viên. Đây là phương pháp giúp truyền tải kiến thức một cách hiệu quả, không gượng ép. Tuy nhiên để có thể áp dụng phương pháp này vào quy trình giảng dạy cần đòi hỏi người dạy học có khả năng quản trò, điều hành tốt, đồng thời trò chơi được xây dựng phải bám sát với mục đích cuối cùng là phục vụ cho chủ đề của tiết học.
Dạy học theo góc
Đây là một phương pháp dạy học khá mới. Theo đó, với cách dạy này, học sinh sẽ phải thực hiện các nhiệm vụ học tập theo từng vị trí cụ thể nhưng cùng hướng tới kết quả cuối cùng là chiếm lĩnh một nội dung nào đó. Với phương pháp dạy học theo góc, học sinh sẽ được khám phá và trải nghiệm qua mỗi hoạt động. Từ đó có thể phát triển được khả năng sáng tạo và tích cực học hỏi.
Các hoạt động theo góc có thể kể đến như viết, đọc, thảo luận,…Mỗi góc sẽ hướng người học trải nghiệm các phong cách học khác nhau và phát huy kỹ năng quan sát, phân tích, ứng dụng,…Đồng thời giúp nâng cao khả năng tương tác giữa thầy và trò và mang lại cảm giác thoải mái cho người học trong suốt quá trình giảng dạy.