Trong cuộc sống hay công việc, kỹ năng xác định mục tiêu vẫn luôn đóng vai trò quan trọng, giúp bạn có động lực để tiến xa hơn. Có rất nhiều cách khác nhau để rèn luyện kỹ năng này. Tuy nhiên, dù lựa chọn phương pháp nào đi nữa, bạn cũng nên nằm lòng 4 nguyên tắc vàng được đề cập trong bài viết sau.
Kỹ năng xác định mục tiêu là gì?
Kỹ năng xác định mục tiêu là khả năng định hướng, thiết lập mục tiêu của mỗi người trong công việc và cuộc sống. Trên cơ sở đó, họ sẽ lập kế hoạch, tận dụng hoặc tìm kiếm các nguồn lực phù hợp để đạt được mục tiêu đã đề ra trong thời gian cho phép.
Vì sao cần xác định mục tiêu trong công việc và cuộc sống?
Dù bạn là ai hay đảm nhiệm vai trò gì trong xã hội thì việc xác định mục tiêu vẫn luôn đóng vai trò quan trọng. Điều này được xem như là kim chỉ nam, mang đến niềm tin và định hướng cho mỗi người. Khi có mục tiêu phù hợp, bạn sẽ không ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân để đạt được những định hướng đã đề ra.
Bên cạnh đó, việc xác định mục tiêu rõ ràng còn giúp bạn loại bỏ những yếu tố không cần thiết, tiết kiệm thời gian để tập trung thực hiện kế hoạch của mình. Đặc biệt, mỗi người khi hoàn thành mục tiêu dù ngắn hạn hay dài hạn đều có thêm sự tự tin và tinh thần để thực hiện những điều lớn lao hơn. Đó là lý do vì sao những người thành công luôn biết đặt mục tiêu và chinh phục nó.
>> Xem thêm: 5 Kỹ năng thương lượng thông minh trong giao tiếp và kinh doanh
4 nguyên tắc vàng khi xác định mục tiêu
Để xác định mục tiêu, bạn có thể áp dụng 4 nguyên tắc sau:
Xác định mục tiêu theo công thức SMART
SMART là viết tắt của các từ tiếng Anh: Specific, Measurable, Achievable, Realistic, Timely. Cụ thể như sau:
- Specific (Cụ thể): Mục tiêu phải cụ thể, chi tiết. Đây là cơ sở giúp bạn xác định được hướng đi đúng đắn và các nội dung công việc cần thiết để hoàn thành trong thời gian nhanh nhất.
- Measurable (Đo lường): Mục tiêu phải có khả năng đo lường được thông qua các con số cụ thể.
- Achievable (Khả năng) : Khi đặt ra mục tiêu, bạn nên cân nhắc khả năng thực hiện ở mức độ nào. Bạn hãy nhớ rằng, mục tiêu mang tính thách thức khác với mục tiêu nằm ngoài tầm với.
- Realistic (Thực tế): Trong quá trình thiết lập mục tiêu, bạn nên liên hệ với bối cảnh thực tế của bản thân, những điều kiện sẵn có để xây dựng kế hoạch phù hợp.
- Timely (Thời gian): Khi xác định mục tiêu, cần chú ý đến thời gian hoàn thành tương ứng với năng lực và điều kiện thực tế.
Mục tiêu phải tạo ra động lực
Một trong những nguyên tắc bạn cần quan tâm khi xác định mục tiêu là khả năng tạo động lực. Nghĩa là mục tiêu đó cần mang lại những giá trị cụ thể, mang tính cấp thiết, khiến bạn luôn khao khát đạt được. Những điều này sẽ giúp bạn có động lực và quyết tâm để hoàn thành trong thời hạn cho phép.
Ghi mục tiêu ra giấy và dán ở nơi bạn luôn nhìn thấy
Để thực hiện đúng mục tiêu đã đề ra, bạn nên viết tất cả ra giấy và dán ở nơi luôn nhìn thấy. Điều này giúp bạn ghi nhớ chính xác những điều đã đặt ra, thôi thúc bạn hành động trong thời hạn cho phép, tránh bị thay đổi hoặc tác động bởi các yếu tố khác.
Bí quyết áp dụng kỹ năng thu thập và xử lý thông tin hiệu quả
Kế hoạch hành động để hoàn thành mục tiêu
Sau khi xác định được các công việc cần làm, bạn hãy thiết lập một bản kế hoạch chi tiết và hoàn chỉnh. Việc này giúp bạn xác định được thứ tự ưu tiên cho từng nhiệm vụ, cụ thể hóa các bước hành động và loại bỏ được các yếu tố không cần thiết để tập trung hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Học ngay 5 bước rèn luyện kỹ năng xác định mục tiêu
Để rèn luyện kỹ năng xác định mục tiêu một cách hiệu quả, bạn có thể áp dụng 5 bước sau đây:
Xác định điều bạn muốn đạt được
Trong cuộc sống cũng như công việc, mỗi người đều sẽ có rất nhiều mong muốn khác nhau. Do đó, bạn cần xác định được đâu là điều bạn thực sự mong muốn trong ngắn hạn và dài hạn. Để làm được điều này, bạn có thể dựa trên những câu hỏi như: Tại sao bạn cần phải hoàn thành việc này? Bạn sẽ nhận được giá trị gì khi đạt được mục tiêu đó? Nếu không thực hiện được, cuộc sống của bạn có gặp trở ngại không?
Xác định những nguồn lực ảnh hưởng đến mục tiêu
Để rèn luyện kỹ năng xác định mục tiêu một cách bài bản, bạn cần nhận biết được những nguồn lực có thể ảnh hưởng đến quá trình triển khai kế hoạch hành động. Nguồn lực ở đây bao gồm các yếu tố như kiến thức, kỹ năng, cơ hội, thách thức. Thông qua việc xác định rõ những điều này, bạn sẽ biết cách tận dụng cơ hội và khắc phục thách thức để hoàn thành mục tiêu trong thời gian cho phép.
Bên cạnh đó, các yếu tố thuộc về chủ quan như kiến thức, kỹ năng cần được xác định ngay từ đầu để bổ sung vào danh sách những nội dung cần hoàn thiện nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng mà bạn muốn.
>> Học 6 kỹ năng kiếm tiền nhanh nhất từ người thành công
Lập kế hoạch hướng đến mục tiêu
Sau khi đã xác định được mục tiêu, bạn sẽ lập một kế hoạch thật chi tiết nhằm hiện thực hóa quá trình thực hiện. Nội dung của bản kế hoạch sẽ bao gồm mục tiêu, thời gian hoàn thành, thời gian triển khai, công cụ hoặc nguồn lực cần có, phương án dự phòng…
Bạn nên cố gắng lập kế hoạch thật chi tiết để nhận định đúng những việc cần làm, loại bỏ những việc không cần thiết để về đích trong thời gian ngắn nhất.
Lập quy trình thực hiện
Để bản thân luôn tuân thủ việc hoàn thành kế hoạch đã đề ra, bạn nên lập cho mình một quy trình riêng, phù hợp với điều kiện thực tế của bản thân. Một quy trình bài bản sẽ giúp bạn hạn chế sự sao nhãng, đi lệch hướng hoặc trì hoãn kế hoạch đã đề ra.
Đánh giá và điều chỉnh
Trong quá trình thực hiện, bạn nên dành thời gian xem xét và điều chỉnh nhằm đảm bảo kế hoạch phù hợp với mục tiêu ban đầu. Bởi thực tế, không phải kế hoạch nào mang lại kết quả như mong đợi. Việc đánh giá và đưa ra các điều chỉnh phù hợp sẽ giúp bạn hạn chế lặp lại những vấn đề không tốt, tiến gần hơn đến mục tiêu đã định.
>> 8 kỹ năng xử lý tình huống thông minh khi giao tiếp
Có thể thấy, để sở hữu cuộc sống ý nghĩa, thành công, bất kỳ cá nhân nào cũng cần rèn luyện kỹ năng xác định mục tiêu.