Kỹ năng lắng nghe tích cực là một trong những kỹ năng giao tiếp giúp cho bạn dễ dàng đạt được kết quả tốt đẹp trong các buổi đàm phán và giao lưu. Bởi khi lắng nghe bạn mới biết được nhu cầu, điểm mấu chốt để chủ động đưa ra cách ứng xử phù hợp nhất. Đây cũng là điểm để người đối diện nhận biết được bạn là người thông minh, tinh tế. Vậy kỹ năng lắng nghe tích cực là gì? Làm sao để rèn luyện kỹ năng này một cách hiệu quả? Hãy tham khảo bài viết dưới đây của Where S để tìm ra chìa khóa cho câu hỏi này.
Lắng nghe tích cực là gì?
Định nghĩa
Kỹ năng lắng nghe tích cực là gì? Là việc tập trung hoàn toàn vào người nói để hiểu được thông điệp của họ và chủ động phản hồi một cách tinh tế, hợp lý. Kỹ thuật lắng nghe tích cực thường mang tính xây dựng, không phán xét mà chỉ chú ý lắng nghe và đáp lại về những mối quan tâm, quan điểm mà người đối diện đang đề cập. Nhờ đó mà cuộc giao tiếp sẽ được diễn ra tự nhiên, thành công bởi bạn đã cho họ cảm nhận được sự tôn trọng của bạn.
Người sở hữu kỹ năng lắng nghe tích cực sẽ sử dụng lời nói hoặc ngôn ngữ cơ thể để giữ sự tập trung của họ vào người nói. Điều này không chỉ hỗ trợ khả năng ghi nhớ thông tin của bạn mà còn giúp người nói nhận thấy rằng bạn đang tham gia vào cuộc nói chuyện này. Một người nghe tích cực sẽ tự động cân nhắc kỹ càng lời nói của người đối diện và ghi nhớ thông tin để phản hồi hợp lý thay vì phải tập dợt hay suy nghĩ những gì phải nói từ trước.
>> 8 Kỹ năng đàm phán thương lượng giúp bạn thành công trong mọi cuộc giao dịch
Ví dụ
Dưới đây là một loạt các ví dụ về kỹ thuật lắng nghe tích cực mà bạn có thể áp dụng để giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp này:
Kỹ năng lắng nghe tích cực bằng ngôn ngữ
- Diễn giải. Tóm tắt điểm chính của thông điệp mà người đối diện đã chia sẻ để bạn hiểu rõ ý nghĩa của chúng.
- Đặt câu hỏi mở. Đặt những câu hỏi mở để tránh câu trả lời “có” hoặc “không” cho nhằm hướng dẫn người nói chia sẻ thông tin bổ sung. Ví dụ như “Tôi thấy bạn nói đúng, quy trình làm việc này chưa tốt. Vậy bạn có những ý tưởng gì cho việc hoàn thiện quy trình này không?”
- Sử dụng câu khẳng định ngắn gọn. Những câu nói tích cực, ngắn gọn giúp bạn dễ dàng tiếp tục cuộc trò chuyện. Đồng thời, sẽ giúp người nói cảm thấy thoải mái vì nhận thấy rằng bạn đang tham gia cuộc hội thoại và có thể xử lý thông tin mà họ cung cấp. Ví dụ như “Tôi hiểu”, “Tôi đồng ý”,…
- Thể hiện sự đồng cảm. Đảm bảo người nói hiểu rằng bạn nhận ra được cảm xúc của họ và sẵn sàng chia sẻ với họ. Sử dụng lời nói chân thành để kết nối và chia sẻ cảm xúc nhằm mang cảm giác tin tưởng lẫn nhau. Ví dụ như “Tôi rất tiếc vì bạn đang phải giải quyết vấn đề khó khăn này và cứ nhắn nhủ nếu bạn cần sự giúp đỡ từ tôi.”
Kỹ năng lắng nghe tích cực bằng phi ngôn ngữ
- Gật đầu. Đồng ý, tán thành với lời nói của người đối diện bằng một vài cái gật đầu cho thấy rằng bạn hiểu họ đang nói gì.
- Nụ cười. Giống như cử chỉ gật đầu, một nụ cười nhỏ cũng mang ý nghĩa khuyến khích người nói tiếp tục câu chuyện. Nụ cười không chỉ thể hiện rằng bạn đồng ý, hài lòng với những gì mà người đối diện đang nói mà còn giúp xoa dịu mọi căng thẳng và mang đến sự thoải mái cho cuộc trò chuyện.
- Duy trì giao tiếp bằng mắt. Luôn giữ ánh mắt tự nhiên và tập trung nhìn vào người nói để đảm bảo rằng họ luôn được thoải mái vì hiểu rằng bạn đang lắng nghe cũng như khuyến khích họ tiếp tục cuộc hội thoại.
>> 7 kỹ năng giải quyết xung đột hiệu quả trong công việc và cuộc sống
Tầm quan trọng của kỹ năng lắng nghe tích cực
Việc cải thiện kỹ năng lắng nghe tích cực sẽ giúp bạn dễ đạt được thành công trong sự nghiệp lẫn cuộc sống. Bởi kỹ năng mềm này sẽ giúp bạn nâng cao giá trị của bản thân qua những lợi ích cụ thể dưới đây:
- Giúp bạn được đánh giá cao hơn: Bằng việc chủ động lắng nghe thì bạn có thể liên tục phản hồi. Điều này sẽ khiến người đối diện cảm thấy rằng bạn đủ thông minh để ứng xử đúng đắn.
- Giúp bạn trở nên hấp dẫn hơn: Thể hiện tốt vai trò lắng nghe là một trong những bản chất vốn có của một người giỏi giao tiếp. Bởi khi bạn tích cực lắng nghe thì bạn mới hiểu rõ hơn mấu chốt của vấn đề và sự thay đổi cảm xúc từ người nói. Nhờ vậy mà bạn có thể đưa ra được những ý kiến, góp ý thấu đáo hơn.
- Giúp bạn xây dựng các kết nối: Chủ động lắng nghe sẽ giúp người đối diện cảm thấy thoải mái khi chia sẻ thông tin với bạn. Khi bạn thể hiện sự chân thành thông qua việc lắng nghe những gì người khác nói, mọi người sẽ thích thú và giao tiếp thường xuyên với bạn hơn. Điều này sẽ giúp mở ra nhiều cơ hội cộng tác và kết nối với nhiều người xung quanh, đồng nghiệp, đặc biệt là đối tác, khách hàng.
- Giúp bạn xây dựng được lòng tin: Kỹ năng lắng nghe tích cực không bao gồm sự phán xét do đó mọi người có thể thoải mái nói chuyện với bạn mà không lo bị gián đoạn bởi những lời phán xét. Điều này đặc biệt hữu ích khi bạn gặp gỡ khách hàng hoặc đối tác mới cho những mối quan hệ làm ăn lâu dài.
- Giúp bạn xác định và giải quyết vấn đề hiệu quả: Chủ động lắng nghe người khác sẽ giúp bạn nắm được điểm mấu chốt cũng như phát hiện những thách thức và khó khăn mà người nói đang gặp phải. Bạn càng phát hiện nhanh chóng ra những vấn đề này, thì sẽ càng sớm tìm ra giải pháp phù hợp nhất.
- Giúp bạn hiểu biết rộng hơn: Kỹ thuật lắng nghe tích cực giúp bạn dễ ghi nhớ và không bỏ sót thông tin quan trọng. Bên cạnh đó, kỹ năng này cũng giúp bạn trau dồi và hiểu rõ hơn về các chủ đề mới. Đây là nền tảng để giúp bạn học hỏi và phát triển kiến thức của bản thân rộng hơn.
>> Tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp với khách hàng
Top 5 phương pháp giúp bạn rèn luyện kỹ năng lắng nghe tích cực
Như đã đề cập thì kỹ năng lắng nghe tích cực không chỉ đơn thuần là nghe, mà còn đòi hỏi bạn phải chủ động đưa ra cách trao đổi, giao tiếp phù hợp. Dưới đây sẽ là 5 phương pháp giúp bạn rèn luyện kỹ năng lắng nghe tích cực vô cùng hiệu quả.
Lắng nghe và chủ động trao đổi
Việc lắng nghe để thấu hiểu là yếu tố cực quan trọng trong mỗi cuộc hội thoại với người khác. Kỹ năng lắng nghe tích cực cần sự đồng cảm, thấu hiểu với câu chuyện để chủ động trao đổi, chia sẻ cảm xúc với người đối diện. Giả dụ người nói đang gặp chuyện buồn thì bạn nên chọn một chủ đề khác giúp tâm trạng họ phấn chấn lên thay vì gặng hỏi nguyên do.
Đừng vội phán xét
Đừng vội phán xét có thể giảm bớt hiểu lầm và kết luận thiếu chính xác do những thành kiến và trải nghiệm đã qua của bạn. Trong khi lắng nghe, tránh để các định kiến xen lẫn vào sự quan tâm, thấu hiểu của bạn dành cho người nói.
Hướng sự tập trung vào người nói
Khi người đối diện đang nói, hãy duy trì ánh mắt và ngôn ngữ cơ thể như biểu cảm gương mặt, cử chỉ, âm lượng giọng nói…. của bạn để hướng sự tập trung vào người nói. Bởi chúng có thể khiến người nói đoán được rằng bạn đang có quan tâm đến lời họ nói hay không. Ví dụ như cái gật đầu tán thành, cái ôm khích lệ hay nụ cười chia sẻ niềm vui cũng đủ giúp cho cuộc nói chuyện trở nên tràn ngập cảm xúc mà không cần dùng đến bất cứ lời nói nào.
>> Xem thêm: 8 Kỹ năng thuyết phục khách hàng thành công cho dân sale
Không làm gián đoạn
Cố gắng không ngắt lời người nói, ngay cả bằng những câu hỏi quan trọng bởi điều này sẽ làm gián đoạn sự tự tin của họ cũng như khiến cuộc đối thoại không đạt hiệu quả truyền đạt. Đôi khi còn khiến bạn trở nên thiếu tinh tế và không có sự tôn trọng dành cho người đang nói. Hạn chế mắc phải lỗi này bằng cách rèn luyện kỹ năng lắng nghe tích cực mỗi ngày để giúp việc giao tiếp đạt được hiệu quả cao.
Đặt câu hỏi và đưa ra ý kiến cá nhân đúng cách
Kỹ năng lắng nghe tích cực không đơn thuần là chỉ nghe người khác nói mà còn cần bạn đặt các câu hỏi đúng lúc để gợi mở vấn đề và đem lại sự thú vị cho cuộc hội thoại. Bên cạnh đó, việc biết cách đưa ra các quan điểm cá nhân hợp lý cũng được xem là “chìa khóa vàng” dẫn đến sự thành công trong giao tiếp khi bạn chủ động lắng nghe. Hãy cố gắng tham gia vào câu chuyện bằng những câu hỏi hoặc đưa ra quan điểm về vấn đề giao tiếp một cách dễ hiểu, nhẹ nhàng sẽ tăng cường sự kết nối với người đối diện.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu được khái niệm “Kỹ năng lắng nghe tích cực là gì?” cũng như đưa ra được những cách rèn luyện kỹ năng nghe tích cực đơn giản và hiệu quả. Bên cạnh kỹ năng lắng nghe tích cực thì các kỹ năng mềm khác như tư duy, đàm phán, lãnh đạo,… cũng rất cần thiết để giúp bạn hoàn thiện và nâng cao giá trị của bản thân để mở ra con đường mang đến thành công nhanh chóng.