Táo bón là hiện tượng phổ biến khi ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi. Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến bé bị táo bón mãi không hết. Để có biện pháp giải quyết dứt điểm, bạn cần xác định được đâu là nguyên nhân cốt lõi để xử lý. Dưới đây là những nguyên nhân đó cũng như đề xuất một số giải pháp, thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng bị táo bón. Khám phá ngay!
Lý do bé nhà bạn bị táo bón mãi không hết
Bé bị táo bón phần lớn là do từ những khẩu phần ăn mỗi ngày. Dưới đây là những nguyên nhân mà cha mẹ cần biết:
- Cho bé ăn dặm quá sớm so với độ tuổi ăn dặm.
Đây là lý do phổ biến mà nhiều bậc cha mẹ mắc phải. “Quá sớm” ở đây là chưa đến tuổi ăn dặm hoặc đã đến độ tuổi ăn dặm nhưng bé chưa sẵn sàng mà cha mẹ ép ăn. Khi đó, hệ tiêu hóa của bé còn non yếu, chưa kịp thích ứng được với thức ăn mới dẫn đến rối loạn chức năng. Do đó, độ tuổi ăn dặm là từ 6 tháng tuổi trở lên. Nếu như bé đã đến độ tuổi ăn rồi nhưng không muốn ăn, cha mẹ cần có giải pháp kích thích bé.
- Tỉ lệ ăn dặm lớn hơn so với ăn sữa.
Trong độ tuổi ăn dặm 6 tháng tuổi, các chuyên gia luôn khuyến cáo đến cha mẹ về chế độ ăn uống hợp lý. Đó là ăn dặm chỉ là phụ, ăn sữa mới là chính. Tuy nhiên, tình trạng ăn dặm nhiều hơn sữa hoặc không sữa gây ra cơ thể bé bị thiếu nước, dẫn đến bị táo bón.
- Không hoặc cung cấp không đủ nước.
Cho dù bạn đã cân bằng được chế độ ăn dặm với ăn sữa nhưng nếu như không thêm nước cho bé cũng khiến bị táo bón. Từ 6 tháng tuổi trở lên, bé bắt đầu trở nên hiếu động và nghịch ngợm. Lúc này, năng lượng cung cấp cho các hoạt động hàng ngày tăng theo. Trong đó, nhu cầu bổ sung thêm nước là cần thiết.
Xem thêm:
Thực đơn ăn dặm truyền thống dành cho bé 6 tháng tuổi
30 ngày ăn dặm với thực đơn dành cho bé 6 tháng tuổi
Dấu hiệu nhận biết trẻ đang bị táo bón
Để nhận biết có phải bé đang bị táo bón hay không, các bậc cha mẹ cần chú ý đến những biểu hiện sau:
- Số lần đi ngoài của bé ít hơn bình thường. Trung bình 1 tuần bé sẽ đi khoảng từ 5-7 lần. Nếu như trong tuần bé đi dưới 3 lần thì đó là biểu hiện của táo bón.
- Phân bị cứng, thậm chí bị vón cục như phân dê.
- Bé cảm thấy khó chịu, hay khóc quấy hoặc la hét khi đi đại tiện.
- Chướng bụng, khó tiêu, không muốn ăn dù đến bữa.
Cách giúp bé hết táo bón, bé khỏe cha mẹ an tâm
Hệ lụy của táo bón có thể khiến bé mệt mỏi, ốm đau, sụt cân khiến cha mẹ lo lắng. Để chấm dứt được tình trạng này, bạn có thể áp dụng một số cách sau:
Cân đối khẩu phần ăn và sữa cho bé phù hợp theo nhu cầu tháng tuổi
Như đã đề cập phía trên, ăn dặm mà nhiều hơn ăn sữa trong giai đoạn 6 tháng tuổi rất dễ bị táo bón. Do đó, bạn nên cân đối lại khẩu phần ăn hàng ngày cho bé.
Tỉ lệ ăn dặm và ăn sữa sẽ là 3:7. Trong đó, ăn dặm 3 phần và ăn sữa 7 phần. Điều này giúp bé dần thích nghi với thức ăn mới một cách nhẹ nhàng mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng từ nguồn sữa mẹ. Trường hợp bé đang ăn sữa công thức, bạn nên nhận lời khuyên từ chuyên gia để cân đối hợp lý nhất. Ngoài ra, bạn nên cho bé bú sữa đều đặn, cứ 2-3 tiếng/lần giúp bé nạp đầy đủ năng lượng.
Tăng cường chất xơ, bổ sung lợi khuẩn
“Chất xơ” có chức năng làm mềm phân, kích thích nhu động ruột nên giúp bé đi đại tiện dễ dàng hơn. Do đó, trong khẩu phần ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi nên bổ sung rau củ, trái cây đầy đủ giúp bé thoải mái bụng nhé!
Bên cạnh đó, bạn nên cho bé ăn những thực phẩm có khả năng bổ sung lợi khuẩn tốt. Như: sữa chua, men vi sinh. Những lợi khuẩn này giúp duy trì cân bằng hệ vi sinh đường ruột, gây ức chế các vi khuẩn có hại, tăng khuẩn có lợi. Nhờ đó, hệ tiêu hóa của bé hạn chế tối đa bị rối loạn và được tăng cường hệ miễn dịch.
Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng bị táo bón
Nếu như cha mẹ vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu để lên thực đơn ăn dặm trị táo bón cho trẻ thì dưới đây là một vài gợi ý chế biến bột rau củ, cụ thể:
Thực đơn 1
Nguyên liệu:
- Khoai tây 100gr
- Cà chua ½ quả (trái)
- Cà rốt 100gr
- Nước, đường trắng hoặc muối vừa đủ
Cách thực hiện:
Bước 1. Sơ chế:
- Khoai tây bóc vỏ, bỏ chấm đen, xanh mang đi hấp/luộc chín và nghiền nát
- Cà chua gọt vỏ, bỏ hạt, mang đi hấp/luộc và nghiền nát
- Cà rốt gọt vỏ, mang đi hấp/luộc và nghiền nát
Bước 2. Trộn hỗn hợp lại với nhau cùng nước, cho 1 chút muối/đường mang đi rây lọc.
Thực đơn 2
Nguyên liệu:
- Cà rốt 200gr
- Đậu Hà Lan 40gr
- Nước, đường trắng hoặc muối vừa đủ
Cách thực hiện:
Bước 1. Sơ chế:
- Cà rốt gọt vỏ, mang đi hấp/luộc và nghiền nát
- Đậu Hà Lan mang đi hấp/luộc chín, nghiền nát
Bước 2. Trộn hỗn hợp lại với nhau cùng nước, cho 1 chút muối/đường mang đi rây lọc.
Thực đơn 3
Nguyên liệu:
- Cà rốt 40gr
- Củ cải trắng 40gr
- Khoai tây 40gr
- Nước, đường trắng hoặc muối vừa đủ
Cách thực hiện:
Bước 1. Sơ chế:
- Cà rốt gọt vỏ, mang đi hấp/luộc và nghiền nát
- Củ cải trắng gọt vỏ, mang đi hấp/luộc chín, nghiền nát
- Khoai tây bóc vỏ, bỏ chấm đen, xanh mang đi hấp/luộc chín và nghiền nát.
Bước 2. Trộn hỗn hợp lại với nhau cùng nước, cho 1 chút muối/đường mang đi rây lọc.
Thực đơn 4
Nguyên liệu:
- Chuối tiêu chín 1 quả. Lựa quả đá chín nục
- Đường trắng vừa đủ, vài giọt nước cốt chanh
Cách thực hiện:
Chuối bóc vỏ, cắt khoanh tròn nhỏ, mang đi xay nhuyễn. Sau khi xay nhuyễn, cho thêm ít đường và vài giọt nước cốt chanh trộn đều.
Thực đơn 5
Nguyên liệu:
- Táo đỏ 100gr
- Đường trắng 20gr
Cách thực hiện:
Táo rửa sạch đem đi hấp/luộc nhừ trong 15-20 phút. Bỏ hột, vỏ táo, mang đi nghiền nát và trộn với đường trắng.
Thực đơn 6
Nguyên liệu:
- Bột gạo 10gr
- Đậu phụ 30gr
- Bí xanh 30gr
- Dầu ăn 5gr
- Đường 5gr
- Nước 200ml
Cách thực hiện:
Bước 1. Sơ chế:
- Đậu phụ xay nhuyễn
- Bí xanh gọt vỏ, mang đi luộc/hấp, nghiền nhuyễn
Bước 2. Hòa bột gạo với 100ml nước, khuấy đều đặt lên bếp đun lửa nhỏ. Khi có lợn cợn sôi thì thêm bí xanh, đậu phụ dầu ăn và đường vào trộn đều. Cho phần nước còn lại đun liu riu đến khi chín..
Thực đơn 7
Nguyên liệu:
- Đào chín 1 quả (trái)
- Đường trắng, nước.
Cách thực hiện:
Bắc 1 nồi nước sôi để chần đào trong một phút. Vớt đào ra bóc vỏ, bỏ hạt, thái hạt lựu. Xay nhuyễn với nước và đường và rây lọc hỗn hợp.
Táo bón hay gặp nhưng dễ xử lý nếu như cha mẹ lên thực đơn ăn dặm giàu chất xơ và lợi khuẩn, cân bằng khẩu phần ăn. Với 7 món ăn dặm cho trẻ bị táo bón trong 7 ngày trên đây sẽ là gợi ý hay giúp cha mẹ dễ dàng chăm sóc trẻ hơn.