SCAMPER là kỹ thuật tư duy khá hiệu quả trong việc tìm kiếm các ý tưởng kinh doanh mới. Nếu hiểu và áp dụng thành công những phương pháp SCAMPER này thì các startup trẻ có thể tìm thấy những ý tưởng khởi nghiệp mới lạ và đáng giá. Vậy hãy cùng theo dõi bài viết sau của Where S để hiểu rõ hơn SCAMPER là gì và 7 yếu tố hình thành nên phương pháp này.
Phương pháp SCAMPER là gì?
SCAMPER là phương pháp tư duy được đề xuất vào năm 1953 bởi Alex Faickney Osborn – một giám đốc sáng tạo người Mỹ, sau đó nó được phát triển mở rộng hơn bởi nhà quản lý giáo dục Bob Eberle trong tựa sách “SCAMPER: Games for Imagination Development” vào năm 1971.
Kỹ thuật SCAMPER được ghép từ chữ cái đầu tiên của các từ sau: Substitute (thay thế), Combine (kết hợp), Adapt (thích nghi), Modify (điều chỉnh), Put to other uses (sử dụng cho mục đích khác), Eliminate (loại bỏ) và Rearrange (thay đổi trật tự). Kể từ khi xuất hiện vào năm 1970 thì SCAMPER là công cụ tư duy khá hiệu quả được nhiều người ứng dụng trong việc tìm kiếm các ý tưởng kinh doanh mới.
>> Các loại tư duy chính giúp bạn phát triển kỹ năng đột phá trong công việc và cuộc sống
SCAMPER là công cụ tư duy được nhiều người ứng dụng trong việc tìm kiếm các ý tưởng kinh doanh mới (Nguồn: Internet)
7 yếu tố hình thành nên phương pháp này
S – Substitute (Thay thế)
Substitute có nghĩa là thay thế những thứ đang có bằng những thứ khác, ví dụ như thay thế nguyên vật liệu mới để cải tiến sản phẩm hoặc thay thế bước nào đó trong quy trình sản xuất để tối ưu năng suất. Bạn có thể áp dụng việc thay thế này cho cả người, vật, nơi chốn, nguyên liệu, cảm xúc,…
Khi bắt đầu khởi nghiệp hoặc cải tiến sản phẩm hiện có, bạn có thể tự đặt một số câu hỏi để sử dụng nguyên tắc Substitute như:
- Hình dạng nào có thể thay mới? (Đổi vỏ hộp từ hình chữ nhật sang hình tròn).
- Kết cấu nào có thể thay đổi? (Sản phẩm dạng lỏng thay thế thành dạng bột pha sẵn, dạng viên có thể hòa tan).
- Địa điểm bán ra sản phẩm có thể thay thế không? (Thay vì bày bán ở tủ lạnh siêu thị thì sẽ đặt cạnh gian hàng món điểm tâm).
- Việc gì sẽ xảy ra nếu thay đổi cảm xúc với sản phẩm này?
Ví dụ, cửa hàng bánh ngọt ABC Bakery do “vua bánh mì” Kao Siêu Lực sáng lập đã phát triển bánh mì truyền thống thành bánh mì dùng thanh long làm nguyên liệu chính để phục vụ cho mục tiêu “giải cứu thanh long” trong mùa dịch.
>> Xem thêm: Phương pháp ghi nhớ Loci – Phương pháp cổ điển giúp tăng khả năng ghi nhớ hiệu quả
C – Combine (Kết hợp)
Combine là việc kết hợp các sản phẩm, dịch vụ khác nhau để tạo thành sản phẩm, dịch vụ mới tối ưu hơn. Với Combine, bạn có thể tìm ra ý tưởng mới bằng cách trả lời một số câu hỏi sau:
- Nếu kết hợp sản phẩm này với sản phẩm khác thì có tạo ra cái gì đó mới mẻ không?
- Kết hợp các mục tiêu với nhau, điều gì sẽ xảy ra?
- Để tối đa hóa việc sử dụng sản phẩm này, có thể kết hợp những yếu tố nào?
- Còn cảm xúc nào khác có thể thêm vào nội dung này?
- Với bài viết này còn cách viết nào khác có thể áp dụng không?
Ví dụ: Với mong muốn thay đổi chiếc xe đạp thông thường thành xe đạp điện trong thời gian nhanh chóng, công ty khởi nghiệp GeoOrbital Wheel của Mỹ đã kết hợp xe đạp hai bánh với bánh xe vận hành bằng động cơ một chiều không chổi than BLDC, giúp người dùng có thể tăng tốc lên 32km/h trong chưa đầy 60s. Ngoài ra, một số ví dụ khác như quần áo unisex để cả nam nữ đều mặc được, combo thức ăn nhanh giữa McDonald’s và Coca-Cola,…
A – Adapt (Thích nghi)
Adapt là chuyển đổi tính năng, công dụng chính của sản phẩm, dịch vụ hiện tại vào một hoàn cảnh khác. Ví dụ như “ATM gạo” được lấy ý tưởng từ máy rút tiền ATM trong bối cảnh hỗ trợ người dân trong đại dịch Covid 10; hoặc máy nước nóng chạy bằng điện được cải tiến thành máy chạy bằng năng lượng mặt trời để tận dụng điều kiện nắng nhiều.
Để ứng dụng Adapt trong đổi mới sản phẩm và nghệ thuật kể chuyện, bạn hãy trả lời các câu hỏi như:
- Có cách nào để thích ứng hoặc điều chỉnh sản phẩm này phục vụ mục đích khác?
- Có thể đưa sản phẩm vào hoàn cảnh nào khác không?
- Có thể sử dụng ý tưởng, sản phẩm nào để khơi dậy cảm hứng mới?
- Đã từng có tình huống tương tự trong quá khứ chưa?
- Nhân vật khác trong câu chuyện sẽ xử lý tình huống này ra sao?
- Làm cách nào để đưa ra một giải pháp khác cho nhân vật hiện tại?
>> Tổng hợp 8 cuốn sách hay về tư duy giúp bạn có cuộc sống tốt đẹp hơn
M – Modify (Điều chỉnh)
Modify nghĩa là thay đổi kích thước, hình dáng, màu sắc, bổ sung tính năng… của sản phẩm, dịch vụ để tạo ra giá trị cao hơn cho người dùng. Một số câu hỏi bạn có thể sử dụng cho Modify như:
- Làm thế nào để thay đổi hình ảnh hoặc cảm nhận của khách hàng về sản phẩm?
- Có thể làm nổi bật điều gì của sản phẩm để tạo ấn tượng và giá trị hơn?
- Yếu tố nào nên được chú trọng để tạo ra điều mới mẻ cho sản phẩm?
Ví dụ: Sữa TH true milk đã tạo bao bì màu xanh nhạt cho sữa ít đường, màu xanh đậm cho sữa có đường giúp người dùng dễ nhận biết để mua đúng sản phẩm. So với ống hút thông thường thì ống hút của McDonald’s được thiết kế rộng hơn một chút để vị nước ngọt chạm đến mọi ngóc ngách trong khoang miệng của khách hàng khi thưởng thức;…
>> 8 ý tưởng tuyệt vời giúp bạn học cách làm giàu với 10 triệu đồng
P – Put to other uses (Sử dụng cho mục đích khác)
Put to other uses là tìm cách tái sử dụng các vật bỏ đi hoặc sử dụng sản phẩm/dịch vụ thông thường vào những việc khác thường lệ, từ đó tìm ra mục đích sử dụng mới khác với ban đầu.
Một số câu hỏi để biết cách sử dụng nguyên tắc Put to other uses trong việc tìm ý tưởng mới như:
- Có thể sử dụng sản phẩm này ở ngành khác không?
- Sản phẩm này sẽ khác như thế nào nếu đặt vào môi trường khác?
- Có thể tái sử dụng chất thải từ sản phẩm này để tạo ra cái gì mới không?
Ví dụ: Chuỗi cafe Monkey In Black đã cho ra các sản phẩm nước uống “ăn luôn ly” với những ly cafe làm từ bánh cookie và chocolate trắng, sau đó Monkey In Black còn đa dạng menu với các món nước kết hợp với đá đổi vị.
E – Eliminate (Loại bỏ)
Eliminate là loại trừ những đặc điểm, tính năng để tạo ra sản phẩm ưu việt hơn hoặc giảm giá thành.
Ví dụ: Coca cola đã loại bỏ lượng đường ra khỏi sản phẩm của họ để tạo ra thức uống Coke Diet, Coca Zero dành riêng cho thị trường người ăn kiêng.
Hãy đặt các câu hỏi để áp dụng nguyên tắc Eliminate hiệu quả, chẳng hạn như:
- Làm thế nào để đơn giản hóa sản phẩm này?
- Có thể lược bỏ tính năng hoặc bộ phận nào?
- Nếu bỏ đi một phần của sản phẩm thì điều gì sẽ xảy ra?
- Có cách nào để sản phẩm nhanh hơn, nhẹ hơn?
R – Rearrange (Thay đổi trật tự)
Rearrange có nghĩa là tái cấu trúc, đảo ngược trình tự để thoát khỏi lối mòn tư duy từ đó tạo ra ý tưởng sáng tạo với các sản phẩm, dịch vụ có trật tự khác với bình thường.
Ví dụ: Các ứng dụng mua hàng online như Shopee, Lazada, Tiki,.. cho phép khách hàng thanh toán trước thay vì phải trả tiền khi nhận hàng; các tiệm đồ ăn nhanh như McDonald’s, Popeyes,… cho phép khách hàng thanh toán trước và tự phục vụ để giảm bớt nhân lực.
Bạn hãy thử trả lời những câu hỏi sau để áp dụng nguyên tắc Rearrange hiệu quả hơn:
- Điều gì sẽ xảy ra nếu đảo ngược trình tự hiện tại?
- Nếu cố gắng làm ngược lại trình tự thì sẽ tạo hiệu ứng ra sao?
- Những gì có thể sắp xếp lại thứ tự?
- Có thể thay thế thành phần nào để thay đổi trật tự của sản phẩm?
>> 6 công thức kinh doanh online thành công, tối ưu chi phí
Kết luận
Như vậy, qua bài viết trên, bạn đã được tìm hiểu về 7 yếu tố hình thành nên kỹ thuật SCAMPER. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn và vận dụng một cách có hiệu quả vào công việc và cuộc sống.